Sau hơn một năm triển khai thực hiện (8/2012 – 10/2013) các mô hình sinh kế giai đoạn thí điểm của dự án thủy điện Trung Sơn đã có những thành công bước đầu, người dân đã quen dần với những cách làm mới, từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để tăng năng suất.
Chương trình sinh kế thí điểm được diễn ra tại năm bản bị ảnh hưởng là Co Me, Tà Bán thuộc xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa; Nàng 1 và Tổ Chiềng thuộc xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa và Bản Đông Tà Lào thuộc xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La với ba lĩnh vực gồm trồng trọt, chăn nuôi, phi nông nghiệp và phát triển thị trường. Hoạt động trồng trọt đã thành lập được năm nhóm sở thích trồng lúa nước, trồng rau và trồng ngô lai với 56 hộ gia đình tham gia. Hoat động chăn nuôi có tám nhóm sở thích nuôi lợn lai, ngan lai và gà ta với 219 hộ gia đình tham gia. Ngoài ra chương trình đã đào tạo được 7 thú y viên phân bố ở các bản. Hoạt động phi nông nghiệp thành lập được ba nhóm bao gồm nhóm nâng cao năng lực kinh doanh buôn bán nhỏ tại địa phương, nhóm hướng nghiệp và hỗ trợ việc làm cho thanh niên và nhóm tổ chức sản xuất kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm với 87 thành viên tham gia.
Người dân được Dự án hỗ trợ toàn bộ con gống, cây giống và phân bón, thức ăn chăn nuôi
Các cán bộ sinh kế của Công ty TNHH MTV thủy điện Trung Sơn và chuyên gia Tư vấn đã đào tạo lý thuyết và thực hành cho bà con, chuyển giao khoa học kỹ thuật và tổ chức các đợt tham quan và học tập kinh nghiệm. Chương trình còn cung cấp con giống, cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho từng hộ gia đình tham gia.
Được hướng dẫn áp dụng những kỹ thuật và quy trình chăn nuôi, trồng trọt mới, trước đây chưa từng được biết bà con vô cùng phấn khởi khi nhìn thấy những kết quả khả quan như năng suất lúa nếp 87 cao hơn từ 20 đến 40 phần trăm so với canh tác theo phương thức truyền thống hay những lứa lợn lai, ngan lai và gà ta được xuất chuồng khoẻ mạnh, nặng cân.
Người dân được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật…
… và được tham quan, học tập các mô hình sản xuất mới
Anh Phạm Bá Khang thuộc nhóm chăn nuôi lợn ở bản Co Me chia sẽ : “ Gia đình tôi được dự án hỗ trợ bốn con lợn giống và toàn bộ thức ăn chăn nuôi. Cán bộ sinh kế thủy điện Trung Sơn xuống tận nơi hướng dẫn cho chúng tôi từ cách làm chuồng trại, đến chăm sóc và phòng bệnh cho lợn nên đàn lợn của gia đình chúng tôi lớn nhanh, ít bệnh hơn trước đây. Ngày trước gia đình nuôi lợn đen một năm chỉ bán được một lứa, thu nhập chỉ khoảng 6-7 triệu đồng. Giờ đây chúng tôi nuôi lợn trắng của dự án một năm có thể nuôi được ba lứa, mỗi lứa bốn con bán được 9 triệu đồng. Chúng tôi thấy vô cùng phấn khởi.”
Nhìn những gương mặt hân hoan của bà con khi bán những sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt theo phương pháp mới và thu được tiền để quay vòng sản xuất trong một thời gian ngắn là thấy được những thành công bước đầu của chương trình sinh kế thí điểm. Việc kết nối và cung cấp thông tin thị trường cũng đã đem lại kết quả khi có những khách hàng từ Hà Nội về bản Co Me và Nàng 1 để thăm và trao đổi về khả năng cung cấp sản phẩm sơ chế luồng. Các thanh niên cũng được tham dự hội nghị xúc tiến, giới thiệu việc làm với nhiều cơ hội được làm việc tại các nhà thầu thi công của dự án thủy điện Trung Sơn và các dự án xây dựng khác đang triển khai tại địa bàn.
Ông Nguyễn Đức Luyện, phó trưởng phòng Bồi thường – GPMB và Chuyên gia sinh kế xuống tận ruộng kiểm tra hiệu quả sản xuất giống lúa mới từ mô hình sinh kế
Ông Nguyễn Đức Luyện, phó trưởng phòng Bồi thường – giải phóng mặt bằng chia sẻ: “Triển khai mô hình sinh kế thí điểm trong giai đoạn đầu còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các hoạt động đã tạo ra một luồng gió mới cho đồng bào vùng dự án về các thức sản xuất mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Những bài học kinh nghiệm từ các mô hình thí điểm sẽ được chúng tôi đánh giá để áp dụng một cách tốt nhất trong giai đoạn tiếp theo của hoạt động sinh kế.”
Cán bộ sinh kế thủy điện Trung Sơn hướng dẫn người dân chăm sóc vật nuôi
Niềm vui của người dân từ kết quả của mô hình sinh kế
Chương trình sinh kế thí điểm đã đem lại những thành công rõ ràng về mặt kinh tế và xã hội cho người dân địa phương. Kết thúc chu kỳ chăn nuôi, trồng trọt bà con đã có tiền thu được từ việc bán sản phẩm và có thể quay vòng sản xuất. Những sản phẩm do chính bà con làm ra được hướng dẫn chế biến thực phẩm, bổ sung dinh dưỡng cho gia đình, đặc biệt là trẻ em. Người dân nơi đây có thêm công ăn việc làm, đặc biệt phần lớn các gia đình cả vợ cả chồng đều tham gia vào các hoạt động sinh kế, không còn cảnh tụ tập quán xá rượu chè, lô đề. Tiếng cười cũng vang lên nhiều hơn, ròn rã hơn ở mỗi gia đình.
Kế hoạch cải thiện sinh kế cộng đồng được thiết kế nhằm tăng cường khả năng khôi phục, duy trì và sử dụng các nguồn lực con người, xã hội, tự nhiên, tài chính và vật chất của cộng đồng một cách bền vững sau khi chịu tác động bởi dự án thủy điện Trung Sơn. 5 bản bị ảnh hưởng được chọn làm mô hình sinh kế thí điểm với các nhóm sở thích gồm 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, phi nông nghiệp và phát triển thị trường. Những kinh nghiệm trong giai đoạn thí điểm sẽ được sử dụng trong giai đoạn chuyển tiếp và giai đoạn nhân rộng cho tất cả các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án nhằm phát triển sinh kế một cách bền vững. Hoạt động sinh kế kéo dài 4 năm (2013 – 2016) – Giai đoạn thí điểm 8/2012 – 10/2013) được thực hiện tại 5 bản – Giai đoạn chuyển tiếp (11/2013 – 6/2014) được thực hiện tại10 bản – Giai đoạn nhân rộng (6/2014 – 6/2016) được triển khai tại 44 bản |