Không chỉ ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị trực thuộc cũng đã và đang ứng dụng mạnh mẽ sức mạnh của công nghệ số trong việc lưu giữ, lan tỏa các giá trị truyền thống.
Đổi mới trong triển khai
Trước đây, phần lớn các hoạt động như lễ kỷ niệm ngày truyền thống của đơn vị, của ngành Điện; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử của đơn vị, của ngành đều được các đơn vị tổ chức theo hình thức trực tiếp, nên số người được tham dự, chứng kiến chỉ giới hạn số lượng nhất định. Nhưng hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các hình thức tổ chức đã được EVN đổi mới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Ngoài hình thức trực tiếp, các hoạt động đã được kết hợp với hình thức trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, lan tỏa mạnh mẽ đến toàn thể CBCNV. Điển hình, Lễ kỷ kiệm 66 năm ngày Truyền thống ngành Điện và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (ngày 21/12/2020) của EVN đã được livestream trực tiếp trên Group Đồng nghiệp EVN qua nền tảng Facebook. Qua đó, không chỉ những người tham dự trực tiếp mà hàng triệu CBCNV của EVN đang công tác trên mọi miền tổ quốc cũng có thể theo dõi trực tuyến, chứng kiến được những khoảnh khắc tự hào của Tập đoàn.
EVN và các đơn vị cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về văn hóa, truyền thống ngành Điện trực tuyến qua internet, fanpage thông qua các hình thức như minigame, thi ảnh đẹp, bài viết, video clip…, thu hút hàng triệu lượt CBCNV tham gia. Năm 2020, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu truyền thống với chủ đề “Tự hào Điện lực Thành phố mang tên Bác” phần mềm Elearning, thu hút hàng nghìn lượt không chỉ ở EVNHCMC mà còn các đơn vị trực thuộc EVN tham gia. Cuộc thi đã góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao nhận thức, niềm tự hào cho cán bộ, đảng viên, người lao động, đoàn viên thanh niên về truyền thống vẻ vang của Ngành Điện Việt Nam và ngành Điện TP.HCM nói riêng.
Đặc biệt, trong năm 2020-2021, trước ảnh hưởng của dịch COVID -19, các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống của các đơn vị; các hoạt động văn hóa doanh nghiệp… phần lớn đều được triển khai một cách hiệu quả các các hình thức trực tuyến, online.
Số hóa nhà truyền thống
Trước thực trạng việc sưu tầm và lưu giữ các hình ảnh, hiện vật gặp khó khăn khi chỉ dừng lại ở những kỷ vật thông thường, còn những công trình, những hiện vật khối lớn chưa có cách lưu trữ; diện tích các phòng truyền thống thường nhỏ hẹp nên không lưu giữ được các hiện vật cồng kềnh, tốn diện tích…, năm 2019, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã có sáng kiến triển khai nghiên cứu và xây dựng phần mềm Số hóa phòng truyền thống. Phần mềm được xây dựng chạy trên nền tảng web và thiết bị di động (ứng dụng mobile). Các dữ liệu trên phần mềm sẽ được tích hợp trên thư mục thư viện/phòng truyền thống trên website của EVNNPC và trên hai màn hình lớn tại Phòng Truyền thống để toàn bộ CBCNV của Tổng công ty và cộng đồng xã hội có thể tìm hiểu và khai thác trên mạng xã hội.
Phần mềm sẽ thu thập thông tin điện tử và được chuyển giao qua các phương tiện lưu trữ vật lý; cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu phục vụ độc giả khai thác, sử dụng tài liệu trên màn hình cảm ứng hoặc qua internet. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu số của hiện vật được thực hiện thông qua việc số hoá hiện vật hiện có tại Phòng Truyền thống và được cung cấp từ các đơn vị thuộc Tổng công ty.
Sáng kiến đã được triển khai từ đầu năm 2019, đến năm 2020 đã hoàn thiện các tính năng và đưa vào sử dụng có hiệu quả phiên bản phần mềm số hóa phòng truyền thống trên môi trường website. Ứng dụng phần mềm đã góp phần nâng cao năng suất lao động, giải quyết được bài toán phải mở rộng không gian phòng truyền thống, tiết kiệm được chi phí, thời gian tìm hiểu và tìm kiếm cho khách tham quan; đồng thời tạo ra không gian số để tìm hiểu và khai thác các dữ liệu, hiện vật và tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của Tổng công ty và các đơn vị thành viên.
Có thể nói, việc ảo hóa nhà truyền thống là một hướng đi phù hợp với xu thế. Đặc biệt, với những đơn vị chưa có đủ điều kiện xây dựng nhà truyền thống do hạn chế về diện tích, mặt bằng thì việc số hóa hiện vật và xây dựng nhà truyền thống ảo theo công nghệ 3D hoặc nhà truyền thống điện tử đang là giải pháp hữu ích, giúp các đơn vị giữ gìn, bảo quản được văn hóa, lịch sử, đồng thời tăng thêm sự hấp dẫn với người tham quan.
Đặc biệt, nếu được xây dựng một cách đồng bộ từ cấp Tập đoàn đến các đơn vị thành viên và áp dụng chung phần mềm quản lý hiện vật thì công tác quản lý hồ sơ hiện vật sẽ được nhất quán cao, tạo ra tính liên kết chặt chẽ giữa các nhà truyền thống với nhau. Trong đó, một phần mềm dùng chung có thể quản lý đầy đủ thông tin về hiện vật bao gồm: nguồn gốc xuất xứ, địa điểm sưu tầm, thời gian sưu tầm, hoàn cảnh lịch sử của hiện vật, tình trạng bảo quản… Tất cả thông tin dữ hiệu của hiện vật hoàn toàn có thể truy xuất tại chỗ hoặc từ xa một cách thuận tiện. Với phần mềm quản lý hiện vật, công tác quản lý và tra cứu thông tin hiện vật của đội ngũ bảo tồn sẽ được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm thời gian.
Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập