Sinh kế dự án thủy điện Trung Sơn: Người dân được hưởng lợi!

Người dân phấn khởi nhận gà, nhận vịt, tích cực học hỏi kỹ thuật canh tác và đổi mới sản xuất nông nghiệp nơi những thửa ruộng, ao vườn của núi rừng phía tây Thanh Hóa… Đó là ghi nhận ban đầu về công tác sinh kế của Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn dành cho người dân nằm trong diện tái định cư Thủy điện Trung Sơn.

 

Vì sự phát triển bền vững

 

Công trình thủy điện Trung Sơn được xây dựng nằm trên địa bàn 3 huyện nghèo khó bậc nhất của cả nước là Mường Lát, Quan Hóa (Thanh Hóa) và huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La). Từ xưa đến nay, ở những địa phương này người dân chủ yếu làm nông nghiệp lạc hậu, manh mún, hiệu quả thấp. Dù đất rộng, nhưng do chưa biết cách làm nông nghiệp vì thế bà con vẫn bữa đói, bữa no.

 

Sau gần một năm triển khai thí điểm đợt 1 (8/2012 – 10/2013) về công tác sinh kế cho bà con nằm trong diện tái định cư cho thủy điện, tập tục nuôi, trồng của bà con nơi đây đã được thay đổi. Người dân đã được hướng dẫn nuôi, trồng đúng cách, hứa hẹn sẽ đạt được những hiệu quả thiết thực.
Theo ông Hoàng Ngọc Hiển, Phó giám đốc ban quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn, “Ngoài bồi thường, hỗ trợ người dân nằm trong diện di dân tái định cư nhường đất cho thủy điện theo đúng quy định của nhà nước thì đặc điểm nổi bật của Dự án Thủy điện Trung Sơn chính là dự án đã hỗ trợ làm công tác sinh kế cho người dân”.

 

Công tác sinh kế cho bà con khu tái định được Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn đặc biệt quan tâm – Ảnh: CTV

 

Được biết, trong giai đoạn thí điểm, Ban quản lý Dự án thủy điện Trung Sơn đã chọn 5 bản thuộc vùng phải tái định cư để thử nghiệm trước. 3 nghề chính được chọn để triển khai công tác sinh kế sau khi thăm dò, ý kiến của bà con đó là: Trồng trọt, chăn nuôi và phi nông nghiệp. Đối với trồng trọt, hướng dẫn bà con trồng lúa, trồng ngô, rau màu, cây lâm nghiệp. Đối với nghề chăn nuôi, các cán bộ sinh kế hướng dẫn người dân cách nuôi lợn, gà, bò, ngan, đào tạo thú y. Riêng đối với nghề phi nông nghiệp sẽ hướng dẫn bà con công tác phát triển thị trường, buôn bán tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi.
Ông Trần Tuấn Nam – Phó giám đốc Công ty thủy điện Trung Sơn, cho biết: Trước khi hướng dẫn bà con 3 nghề này, chúng tôi đã tiến hành khảo sát kỹ lưỡng, phát phiếu thăm dò, cán bộ sinh kế vào tận bản, trò chuyện, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân muốn được học nghề gì, rồi sau đó để người dân tự nguyện đăng ký nhóm sở thích. Chính vì thế, sau khi triển khai thí điểm sinh kế, người dân hưởng ứng rất nhiệt tình.

 

Những đổi thay đáng mừng

 

Phấn khởi khi vừa nhận được 80 con gà từ cán bộ sinh kế của thủy điện Trung Sơn, chị Đinh Thị Dụ (bản Tà Bán, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) – Trưởng nhóm sở thích chăn nuôi gà ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ những thông tin ngày nhận gà, phương pháp cho gà ăn đúng cách, đúng quy chuẩn vệ sinh, chế độ ăn… theo hướng dẫn của cán bộ sinh kế.

 

Chị Dụ tâm sự “Từ trước đến nay trong nhà chỉ nuôi mấy con gà để ăn chứ không nghĩ đến chuyện nuôi để bán, để làm kinh tế. Được các anh chị cán bộ sinh kế của Thủy điện Trung Sơn phát gà miễn phí về nuôi, lại còn cả thức ăn cho gà như cám, ngô cũng được phát, tôi thấy vui lắm”
Chị Dụ lên kế hoạch, nếu lứa gà này thành công, chị sẽ bán đi rồi sau đó lấy vốn để nuôi nhiều hơn nữa, số tiền còn lại chị sẽ mua chiếc ti vi để theo dõi tin tức cũng như cách làm nông nghiệp hay trên ti vi để học hỏi và áp dụng.
Còn chị Hà Thị Thủy, cũng ở bản Tà Bán – thành viên trong nhóm sở thích trồng lúa nước – cho biết: Vụ mùa năm nay không như những vụ mùa khác, chị không phải lo lắng mua giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu và tự tin áp dụng những kỹ thuật mới được hướng dẫn. Bởi, các cán bộ sinh kế của Thủy điện Trung Sơn đã đến tận nhà cung cấp cho gia đình chị từ giống lúa, phân bón đến thuốc trừ sâu và hướng dẫn cách làm rất kỹ lưỡng.
Được biết, cán bộ sinh kế của dự án tập huấn cho nhóm sở thích trồng lúa nước về kỹ thuật ngâm ủ hạt giống, kỹ thuật gieo cấy, cách bón phân… và hỗ trợ  hoàn toàn giống lúa, phân bón theo quy trình kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật. Những năm trước bà con nông dân thường canh tác theo hướng truyền thống và lấy các giống lúa của những vụ trước để gieo cấy, không bón phân hoặc có bón nhưng không đúng cách, chưa phòng trừ sâu bệnh cho lúa kịp thời, nên năng suất lúa rất thấp.

 

Người dân được hưởng lợi từ chính sách sinh kế – Ảnh: Đình Lợi

 

Ông Nguyễn Đức Luyện, Phó trưởng phòng Bồi thường – giải phòng mặt bằng, Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn, chia sẻ: “Đa phần, người nông dân chưa có điều kiện để tiếp cận được nhiều với quy trình sản xuất lúa nước và các cây trồng khác, trình độ không đồng đều nên việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cũng gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, các tư vấn và cán bộ sinh kế của Thủy điện Trung Sơn sẽ xuống tận ruộng, vừa sản xuất cùng bà con, vừa tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật mới theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” giúp bà con biết làm đất, ngâm ủ giống, gieo cấy, chăm sóc lúa để đạt hiệu quả cao nhất.”

 

Với sự giúp đỡ của dự án thủy điện Trung Sơn, sự tham gia tích cực của người dân, hy vọng chương trình sinh kế sẽ đem lại những vụ mùa bội thu và phát triển kinh tế bền vững cho bà con nông dân nơi đây, những người đã nhường đất cho công trình để xây dựng nguồn điện cho đất nước.

 

“Tổng kinh phí dành cho sinh kế tại thủy điện Trung Sơn là 2 triệu USD, được thực hiện trong 4 năm” – ông Trần Tuấn Nam – Phó giám đốc Công ty thủy điện Trung Sơn cho biết.

Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập