Vào những ngày đầu tháng 7 năm 2008, tôi và một số cán bộ làm công tác tuyên truyền về tái định cư được Công đoàn Ban QLDA thuỷ điện Trung Sơn phân công phối hợp với các cán bộ của Viện Quy hoạch và phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền các chính sách tái định cư và tham vấn cộng đồng tới người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án thuỷ điện Trung Sơn. Mục đích của chuyến công tác này là nắm được tâm tư nguyện vọng của đồng bào bị ảnh hưởng khi Nhà nước xây dựng nhà máy thủy điện Trung Sơn, để từ đó Ban QLDA có những chính sách phù hợp nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân sau khi tái định cư được tốt hơn hoặc ít nhất là bằng nơi ở cũ. Bên cạnh việc tham vấn thì công tác tuyên truyền các chính sách tái định cư và công tác bảo vệ môi trường sinh thái cũng được chú trọng. Mục đích là để đồng bào hiểu biết các chính sách và ủng hộ Nhà nước xây dựng nhà máy thuỷ điện Trung Sơn và có biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái, gìn giữ nét đẹp bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa bàn. Chuyến đi đó đã để lại trong tôi những kỷ niệm sâu sắc khó phai mờ. Sâu đậm nhất là chuyến đi lên đỉnh Phà Khao tại Bản Tà Bán, xã Trung Sơn, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
* * *
Sau khi được trưởng bản Vi Văn Tái thông báo có cuộc họp toàn bản tại nhà văn hoá của bản, cả tối hôm trước mọi người dân Tà Bán đều thao thức mong đợi rồi đây cuộc sống của mình sẽ như thế nào? Mình sẽ định cư ở đâu? Bữa cơm tối hôm đó có cái gì đó biểu hiện trên nét mặt của người nhà Trưởng bản? Tôi cũng không hiểu được, vì đây là lần đầu tiên tôi được ăn cơm tối, ngồi uống nước và nói chuyện cùng đồng bào người Thái. Cả tối hôm đó mọi người trong nhà trưởng bản ngồi nói chuyện và kể cho nhau nghe về khu tái định cư – nơi sẽ là mảnh đất gắn bó với họ sau này. Tôi chỉ ngồi nghe họ nói chuyện nhưng trong lòng cũng có điều gì đó đồng cảm với đồng bào nơi đây. Họ trao đổi với nhau rằng: mảnh đất Tà Bán, con suối Tà Bán này đã gắn bó với con người Tà Bán từ khi nào rồi, mọi người ở đây lớn lên chỉ biết rằng mình đang sống ở nơi đây, với những công việc mà cha ông họ đã truyền lại, đó là làm nương rẫy, đánh cá ở suối Tà Bán và suối Quanh, họ không muốn rời xa nơi chôn rau cắt rốn, nơi đã gắn bó với họ trong những ngày tháng đã qua. Đêm trôi dần vào sự tĩnh mịch và trong giấc ngủ chập chờn về nơi ở mới của mọi người.
5 giờ sáng khi mọi người đang chập chờn trong giấc ngủ thì tiếng trống báo họp bản vang lên ở trung tâm bản. Một không khí hối hả của đoàn người từ khắp bản kéo đến, có những gia đình ở xa mãi Quán Nhục, Xì Bà và Tà Bục đã đến từ rất sớm. Khi đoàn chúng tôi đến trung tâm bản thì đã có rất nhiều người ở đó, trên nét mặt, nụ cười của người già hay trẻ em cũng đều ẩn chứa một điều gì đó lo âu, trăn trở. Chỉ một lúc sau nữa đoàn người lại kéo về trung tâm bản rất đông đứng chật cả trung tâm nhà văn hoá bản.
Đúng 7 giờ sáng cuộc họp bắt đầu, sau khi nghe cán bộ tham vấn trình bày, giải thích về các khu tái định cư và khung chính sách thì bà con dân bản bắt đầu phát biểu, họ nói lên đựơc tâm tư nguyện vọng của mình, lúc này trên nét mặt của mọi người không còn hiện lên sự lo âu nữa, ai ai cũng tự hào vì rồi đây trên mảnh đất Trung Sơn này sẽ có một nhà máy thủy điện lớn cung cấp điện cho Tổ quốc. Họ rất vui vì có thuỷ điện và sẽ có trường học cho các em nhỏ đi học, có đường giao thông để đi lại dễ dàng, cây luồng là nguồn sống của bà con lâu nay vận chuyển rất khó khăn thì sau này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều… những điều đó lâu nay chỉ là ước mơ của bà con, trong giấc mơ họ cũng chưa một lần nghĩ đến thì nay bỗng đang đến rất gần.
Chúng tôi đến gặp và trao đổi với ông Lò Khăm Thanh-Bí thư Đảng uỷ xã Trung Sơn được ông Thanh cho biết: Gia đình chúng tôi hiện tại có tới 50 ha rừng luồng – nhiều nhất trong bản, chắc rằng trong thời gian tới sẽ bị ngập rất nhiều, nhưng cũng như tất cả bà con Tà Bán, tôi cũng rất mong nhà nước sẽ xây dựng thuỷ điện để đem lại sự thay đổi cho bà con nơi đây. Ông cũng cho biết nếu Nhà nước đồng ý cho bản Tà Bán chúng tôi di vén lên cao hơn tức là đến vùng Co Tòng, Tá Mạ và Tà Bục, sau đó làm con đường nối từ cầu Co Me đến các điểm tái định cư đó thì nhân dân Tà Bán biết ơn Đảng và Nhà nước rất nhiều.Vì ở đó chúng tôi có thể đi làm nương gần, con cái chúng tôi đi học cũng gần hơn, chắc chắn cuộc sống của bà con nơi đây sẽ đỡ khổ hơn hiện nay rất nhiều.
Qua trao đổi với trưởng bản chúng tôi biết còn nhiều hộ không đến họp bản sáng nay vì họ ở trên nương và ở xa quá nên không biết kế hoạch cuộc họp. Đoàn chúng tôi quyết định lên Phà Khao để gặp bà con.
Sau khi được Trưởng bản bố trí người dẫn đường và nói cho chúng tôi biết qua về nơi chúng tôi sắp đến. 13 giờ, trời bắt đầu đổ mưa, những cơn mưa mùa hạ nhưng cũng không ngăn được sự quyết tâm của chúng tôi chinh phục đỉnh Phà Khao. Ra khỏi bản Tà Bán chúng tôi bắt đầu gặp rừng luồng bạt ngàn, có lẽ tôi cũng không thể tưởng tượng được cảnh đẹp như thế, một màu xanh bao phủ cả núi rừng, những lối mòn quanh co men theo các triền núi xuyên qua rừng luồng bạt ngàn, đi mãi đi mãi tôi chỉ thấy một màu xanh của cây luồng, tôi có cảm giác như không thể tìm được lối ra, trong suy nghĩ của tôi lúc này có lẽ mình đã bị lạc giữa rừng luồng bạt ngàn này chăng? Nhưng khoảng 30 phút sau, tôi bắt đầu thấy ánh sáng nhiều hơn, núi đồi hiện rõ dần và cảm giác mát mẽ không còn nữa, xen vào đó là một không khí oi bức khó chịu của khí trời sắp đổ mưa. dọc con đường quanh co, cây rừng vươn ra như chặn lại những ai vượt qua nó, bên cạnh đó muỗi rừng nhiều vô kể, chỉ cần dừng chân để nghỉ ngơi là chúng tập trung lại để tấn công bất kể người nào. Vượt thêm một đoạn nữa thì bắt đầu thấy đỉnh Phà Khao lộ rõ dần theo bước chân của chúng tôi. Dọc con đường men theo triền núi chúng tôi bắt gặp những nương lúa, nương ngô bạt ngàn của đồng bào người Thái. Những ánh nắng bắt đầu hé lộ qua đám mây giông rọi lên những quả đồi càng làm cho những nương ngô như xanh thêm và trải dài ra xa tít tắp. Tất cả đem lại cho chúng tôi một cảm giác yên bình giữa núi đồi hoang vắng.
Đi được khoảng 1 tiếng đồng hồ thì người dẫn đường bảo cán bộ chuẩn bị leo dốc. Trong tôi lúc đó cứ nghĩ leo dốc thì chúng tôi đã leo từ nãy giờ rồi chứ có phải bây giờ đâu nên cứ nghĩ bình thường, không sao cả. Nhưng nào ngờ, càng leo chúng tôi càng không thấy đỉnh Phà Khao đâu nữa, trong tôi chỉ thấy một cảm giác mệt chưa từng có, những bước chân chậm rãi nhích dần theo dấu chân người dẫn đường. Lúc này, trời bắt đầu xả ánh nắng chói chang càng làm cho chúng tôi mệt hơn, mồ hôi vả ra như tắm, sự mệt mỏi như lên đến đỉnh điểm, đỉnh Phà Khao thì chưa thấy đâu, có lẽ tôi không thể vượt lên được nữa, tôi muốn quay trở lại không thể tiến thêm bước chân nào nữa. Trong đầu tôi lúc này có sự giằng xé giữa đi tiếp hay quay trở về, nhưng rồi khát vọng chinh phục đỉnh Phà Khao và ước muốn gặp bà con trên nương đã làm chúng tôi quyết tâm vượt lên và bắt đầu nhích dần những bước chân chậm rãi leo lên dốc.
Đi được khoảng 30 phút nữa thì một điều bất ngờ đến với chúng tôi, phía trước là những đồi lúa bạt ngàn trải dài từ đồi này sang đồi khác theo tầm mắt của tôi, chỉ một màu xanh mơn mởn của nương lúa non mới được hưởng không khí mát mẻ của cơn mưa rừng. Một cảm giác mát mẻ đến với chúng tôi bởi những cơn gió nhẹ dịu xua đi những mệt mỏi mà chúng tôi đã mang theo từ lúc leo dốc. Đỉnh Phà Khao cũng đã hiện ra trên đầu chúng tôi lúc nào không biết, khát khao gặp bà con trên nương đã đến rất gần hơn bao giờ hết. Bao nhiêu mệt mỏi mang theo đến lúc này như đã rủ bỏ hết tất cả, xen vào đó là một tâm trạng hồi hộp và mong đợi sẽ được gặp bà con được nhanh hơn.
Khoảng 30 phút leo dốc nữa thì chân của tôi đã đặt lên đỉnh Phà Khao, không có gì hạnh phúc hơn lúc này, trong tôi một cảm giác mơn man, nhẹ nhàng bay bổng như vừa đi từ trong giấc mơ ra, tôi không nghĩ rằng mình đã làm được điều mà trong chuyến đi này tôi không dám nghĩ tới. Tôi như đang đứng giữa bầu trời lồng lộng, không có cái gì cao hơn tôi lúc này được.Trên đỉnh Phà Khao tôi có cảm giác đất trời như hoà làm một, không có chút khoảng cách nào, nhìn xuống dốc núi thấy mây phủ quanh đồi. Nhìn về phía tây, đỉnh Pha Luông sừng sững như bức tường thành chắn ngang giữa bầu trời, bức tường thành đó thỉnh thoảng lại bị mây bao phủ giữa mùa hè. Phóng tầm mắt về phía nam, đất Piềng Poong bị con sông Mã cắt ngang một dải kéo dài. Xa xa bản Tà Bán rồi Xì Bà, Tà Bục lúc ẩn lúc hiện dưới lớp mây mờ bồng bềnh.
Đỉnh Pha Luông nhìn từ đỉnh Phà Khao
Ngồi nghỉ ngơi được một lúc tôi hỏi người dẫn đường tại sao người Thái lại đặt tên đỉnh núi này là Phà Khao? Người dẫn đường cho chúng tôi biết Phà trong tiếng Thái có nghĩa là núi, Khao nghĩa là trắng mắt, có nghĩa là leo lên đỉnh núi này thì mệt mỏi đến trắng cả mắt ra. Bây giờ thì tôi mới hiểu vì sao lên đến đây chúng tôi mệt mỏi đến như thế, chưa bao giờ tôi được leo một đỉnh núi cao đến vậy. Đang còn mải mê với câu chuyện với người dẫn đường thì tôi chợt nhớ ra tôi chưa gặp được đồng bào nơi đây, nhìn ra xung quanh không thấy một bóng người, cả chặng đường dài chúng tôi chưa gặp một bóng người nào, giờ đây cũng thế. Một cảm giác thất vọng đang đến dần trong tôi. Chẳng lẽ không có một ai trên nương hay sao? Có lẽ chúng tôi đã uổng công sao? Một loạt câu hỏi dồn dập đến với tôi trong lúc này, bên cạnh đó những cái chòi canh dựng tạm trên nương cũng trơ trọi, tiêu điều, hoang vắng càng làm cho tôi thất vọng hơn lúc nào hết.
Những bước chân nặng nề của chúng tôi nhích dần sang bên kia sườn dốc, lúc này trong suy nghĩ và bước chân không còn gặp nhau nữa, trí óc thì muốn trở về, còn đôi chân thì như có đá thắt chặt không thể bước tiếp bởi sự thất vọng. Nhưng thật bất ngờ khi sang bên kia sườn dốc thì bắt đầu có bóng người lúc ẩn lúc hiện, nhấp nhô lẫn lộn trong nương lúa và những gốc cây sạm đen còn sót lại trên nương. Hi vọng lại được thắp lên trong tôi, những bước chân lúc này nhanh hơn bất cứ lúc nào, quên hết mệt mỏi, những bước chân như đang lao về phía có bóng người. Không thể tin nổi, đến đây không chỉ có vài bóng người như tôi nhìn thấy mà có cả người già, trẻ em. Nhiều gia đình ở lại trên nương, mang theo cả con nhỏ lên, những em nhỏ được nghỉ hè cũng theo lên nương để giúp đỡ gia đình làm nương.
Chăm sóc lúa nương trên đỉnh Phà Khao
Khi chúng tôi đến nơi, những em nhỏ chạy lại vây quanh vì chúng thấy người lạ, đặc biệt trên người chúng tôi đang khác chiếc áo có biểu tượng của ngành Điện lại càng làm cho chúng tò mò hơn, còn người lớn tuổi thì có vẻ nhìn chúng tôi với nét mặt lạ thường. Sau một hồi trò chuyện, tất cả mọi người kéo đến rất đông, khi biết chúng tôi là cán bộ của Ban QLDA thuỷ điện Trung Sơn lên nương gặp bà con để tìm hiểu nguyện vọng của người dân khi di dân tái định cư. Bà con rất vui mừng và rất tự hào khi quê hương mình sắp tới lại có thuỷ điện lớn như thế, người dân Tà Bán lại góp sức mình để dòng điện Tổ quốc ngày mai lại sáng hơn. Mặc dù quanh năm vất vả ở trên nương, nhưng ai cũng bảo là đã nghe nói đến Nhà nước sẽ xây dựng thuỷ điện ở Co Me lâu rồi, nhưng sao không thấy, đã mấy năm nay bà con mong lắm.
Khi chúng tôi hỏi bà con đã biết khi xây dựng thuỷ điện bà con phải chuyển đi nơi khác, không còn ở đất Tà Bán như bây giờ nữa không? Mọi người đều cho biết là sẽ đến ở Co Tòng, Tá Mạ và Tà Bục. Mọi người đều mong rằng Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng trường học để con cái họ được học hành đầy đủ chứ không được đi học như họ bây giờ, ở đây người học cao nhất chỉ đến lớp 3 thôi còn hầu hết phụ nữ đều không biết chữ. Mong sao sẽ có đường lớn đi vào bản làng để bà con đi lại dễ dàng hơn. Anh Lò Văn Cồng nói:” chỉ mong sao khi đến khu tái định cư sẽ có trạm xá để chữa bệnh cho người dân, ở đây thiếu thuốc lắm, cái lưng của tôi bị đau mấy năm nay rồi mà không có trạm xá để khám và thuốc để chữa”. Qua trò chuyện với bà con mới biết được ước mơ của họ mong muốn được đổi thay cuộc sống đến mức nào.
Bà con Tà Bán trên đỉnh Phà Khao
Tôi không thể ngờ được khi nói chuyện với bà con, cái mệt mỏi trong tôi đã tan biến mất từ lúc nào, có lẽ nó đã biến mất vào núi rừng bạt ngàn, trên môi mọi người chỉ có nụ cười hi vọng vào một tương lai tốt đẹp như mong đợi.
Tạm biệt bà con, chúng tôi phải trở về trung tâm bản trước khi trời tối. Chia tay mọi người trong niềm lưu luyến không muốn rời xa, bước chân chúng tôi tiến dần xuống dốc núi, hình ảnh đoàn người tiễn chúng tôi xa dần xa dần trong ánh nắng nhạt buổi chiều, nhưng trong tôi vẫn đọng lại những nụ cười, những giọng nói ngây thơ của các em nhỏ và những ước mơ về ngày mai tươi đẹp trên mảnh đất Tà Bán này.
Đường từ Phà Khao trở về trung tâm bản lại là một con đường khác, vẫn là những dốc núi kéo dài như không có điểm dừng, có đi xuống núi mới biết đường dốc như thế nào, những cái dốc thăm thẳm từ trên đỉnh xuống lưng chừng núi. Rồi lại gặp những con suối cắt ngang đường đi. Đoạn qua suối Sum Sàng đường trơn như mỡ, kèm theo dốc đá càng làm cho những bước chân chúng tôi càng khó khăn hơn. Tiếng nước suối Sum Sàng đã xua đi cái tĩnh lặng, hoang vắng của núi rừng. Cứ như thế bước chân chúng tôi men theo dòng suối Sum Sàng hơn 30 phút, âm thanh của tiếng nước chảy như hoà vào lòng người, có đoạn nước chảy từ trên cao xuống tạo thành một dòng nước trong suốt, khi chạm tay vào dòng nước suối thì một cảm giác mát mẻ mơn man khắp cơ thể làm dịu đi cái mệt mỏi của buổi chiều chinh phục đỉnh Phà Khao.
Vượt thêm một đoạn đường nữa, phía trước chúng tôi là một rừng xoan bạt ngàn, những cây xoan đang trong thời kỳ phát triển nên nhìn cây nào cũng tràn đầy sức sống mãnh liệt, xen lẫn dưới những gốc xoan là những đồi sắn trải dài theo tầm mắt. Tất cả chỉ là một màu xanh của sự sống, màu xanh ấy lại được tôn thêm bởi những tia nắng nhạt ban chiều còn sót lại trên đỉnh Pha Khao. Cảnh vật nơi đây lúc này chỉ là một màu xanh yên bình, hoang sơ tĩnh lặng giữa nơi núi rừng đại ngàn.
Khoảng 18 giờ đoàn chúng tôi trở về đến trung tâm bản, mọi người nhìn chúng tôi với ánh mắt khâm phục, họ không tin chúng tôi vừa từ Pha Khao trở về, chỉ đến khi xem những bức ảnh kỷ niệm với bà con mọi người mới tin đó là sự thật. Bà con cho biết: từ trước tới nay chưa có đoàn cán bộ nào lên tìm hiểu cuộc sống của họ trên nương cả, đây là lần đầu tiên đấy!
Buổi tối hôm đó nhà trưởng bản đông vui hơn mọi lần, bà con tập trung đông vui để nói chuyện về cuộc sống của mình, kể cho chúng tôi những phong tục tập quán của người Thái, những câu chuyện kéo dài trong tiếng cười vui không dứt của mọi người. Dù thân thể lúc này đã mỏi nhừ, nhưng trong tôi niềm vui như đang hoà vào tiếng cười cùng những câu chuyện với mọi người.
* * *
Tiếng cười ít dần, mọi người bắt đầu trở về nhà, trong suy nghĩ của tôi chập chờn về hình ảnh của một khu tái định cư mới với ngôi trường khang trang, con đường kéo dài từ cầu Co Me đến các điểm tái định cư, những ngôi nhà sàn mới mọc lên, trên khuôn mặt của các em thơ đang nở nụ cười rạng rỡ. Đêm chìm dần vào sự tĩnh lặng.
Trung Sơn, 7/2008
Hồ Tuấn Nam
[:]