Cải thiện sức khỏe và môi trường sống của người dân vùng dự án thủy điện Trung Sơn

Thủy điện Trung sơn có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống người dân địa phương. Trong đó có những ảnh hưởng tích cực như tỷ lệ người dân có nhà ở kiên cố, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh và các hộ gia đình sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh tăng…

Từ ngày 6 đến 13/9/2015 đã diễn ra đợt giám sát và đánh giá dịch tễ việc thực hiện Kế hoạch bảo vệ sức khỏe cộng đồng cho giai đoạn thi công xây dựng thủy điện Trung Sơn.  Đây là đợt giám sát thứ 4 do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe  tiến hành  tại các xã bị ảnh hưởng thuộc các huyện  Vân Hồ (Sơn La), Quan Hóa, Mường Lát (Thanh Hóa) và khu vực Mai Châu (Hòa Bình) trong khuôn khổ Kế hoạch hành động sức khoẻ cộng đồng (PHAP) do dự án thủy điện Trung Sơn xây dựng. Mục tiêu của đợt kiểm tra này nhằm giám sát việc thực hiện các biện pháp sức khỏe cộng đồng tuân thủ theo PHAP và hướng dẫn công tácthu thập và phân tích,làm tăng tính thống nhất của dữ liệu, cho phép người có thẩm quyền liên quan theo dõi các xu hướng tại mọi thời điểm.

Theo kết quả đánh giá việc triển khai dự án thủy điện Trung sơn có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống người dân. Trong đó có những ảnh hưởng rất tích cực như tỷ lệ người dân tại địa bàn ảnh hưởng của dự án có nhà ở kiên cố, chủ yếu là những hộ dân chuyển vào các khu tái định cư do dự án xây dựng hoặc nhận tiền đền bù của dự án và xây dựng lại nhà cửa. Người dân bị ảnh hưởng đều cho rằng so với trước kia, nhà ở mới của họ chắc chắn, thoáng mát và rộng rãi hơn.  Tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh cũng tăng lên nhẹ  do tác động của dự án. Tại điểm tái định cư Pa Búa, toàn bộ các hộ gia đình đều đang sử dụng nhà tiêu thuộc loại tự hoại thay vì nhà tiêu hố đào kiểu cũ. Tỷ lệ các hộ gia đình sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh cũng tăng. Các hộ dân đã chuyển lên khu tái định cư đều được sử dụng nguồn nước sạch với hệ thống bể lọc tiêu chuẩn và đường ống dẫn nước về tận nhà. Tuy nhiên nguồn nước còn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân do thất thoát trên tuyến đường dẫn nước. Một điều đáng ghi nhận là dự án đã giúp làm tăng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện huyện đặc biệt là ở một số xã như Thành Sơn và Trung Sơn, bằng việc xây mới hệ thống đường bê tông kết nối các điểm định cư của người dân với các tuyến đường chính.  Điều đó cũng góp phần thúc đẩy an toàn sinh sản khi có sự gia tăng đáng kể tỷ lệ phụ nữ đến sinh tại cơ sở tế và được cán bộ y tế hỗ trợ. Nếu trong năm 2013, tỷ lệ phụ nữ sinh tại có sở y tế chỉ chiếm 47,8% thì năm 2014 đã tăng lên 53,8%. Sự cải thiện này theo lãnh đạo các trạm y tế xã, ngoài đường xã thuận lợi, còn do một yếu tố không kém phần quan trọng nữa là các hoạt động truyền thông cho người dân địa phương và tập huấn cho đội ngũ cán bộ tế.

Bên cảnh những điểm tích cực mà dự án đem lại, vẫn còn những  tác động ảnh hưởng  đến môi trường sống của địa phương như tiếng ồn và bụi, sự hư hại những con đường đất sẵn có do xe của dự án đi lại.

Về mặt sức khoẻ của người dân, báo cáo cũng chỉ ra không có bằng chứng nào cho thấy dự án có ảnh hưởng trực tiếp. Số liệu điều tra hộ gia đình  năm 2015 về số trường hợp mắc mới 7 nhóm bệnh quan tâm không có sự thay đổi nào đáng kể so với đầu kỳ.

Tuy nhiên một số vấn đề sức khỏe nổi trội cần được xem xét bao gồm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi khá cao tại một số xã Thành Sơn, Trung Sơn, Tén Tằn, Mường Lý và Tam Chung (26,7%-35,6%); tỷ lệ hiện mắc HIV rất cao tại các xã Tam Chung, Trung Sơn, Mường Lý và Tén Tằn (0,72-1,84%); tỷ lệ sử dụng ma túy có xu hướng tăng và ở mức cao tại các xã Trung Sơn, Tân Xuân, Thành Sơn, Tam Chung và Tân Xuân.

Chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại trạm y tế của khu vực dự án cũng là vấn đề cần quan tâm. Các đợt giám sát thường xuyên của đơn vị tư vấn đã góp phần nâng cao sự tuân thủ quy trình khám chữa bệnh, kỹ năng ghi chép thông tin của cán bộ y tế, nhưng các trạm y tế vẫn chưa tạo ra được sức hút đối với người dân khi bình quân chỉ có 0,5 lượt khám chữa bệnh/người/năm 2014.

Đến thời điểm hiện tại, dự án đã mở các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế huyện, xã và nhân viên y tế thôn bản; hỗ trợ xây mới 2  trạm y tế  xã Tam Chung và Mường Lý, hiện đang trong quá trình hoàn thiện. Ngoài ra, dự án cũng đã tổ chức các hoạt động truyền thông về chăm sóc sức khỏe, phòng chống các bệnh thường gặp, nước sạch và vệ sinh môi trường… cho người dân các xã ảnh hưởng.

Tuy còn có những ảnh hưởng tạm thời đến môi trường sống của người dân trong quá trình xây dựng dự án, mà dự án sẽ phải tìm ra những biện pháp khắc phục kịp thời, không thể phủ nhận những nỗ lực và những đóng góp tích cực của dự án trong việc cải thiện chăm sóc sức khoẻ cộng đồng địa phương. Dự án thủy điện Trung Sơn vẫn đang tiếp tục triển khai những chương trình và hoạt động nhằm cải thiện môi trường sống và chất lượng cuộc sống của người dân địa phương để hướng tới một tương lại ổn định và tốt đẹp hơn.