Nhịp thở Trung Sơn

Sau gần 1 năm, tôi lại có dịp đến với Trung Sơn. Mảnh đất nơi thượng nguồn sông Mã vẫn vô cùng khắc nghiệt. Nắng thì như rang. Mưa thì dầm dề cả tuần. Nhưng cũng chính trên mảnh đất ấy, Thủy điện Trung Sơn đang ngày ngày lừng lững mọc lên. Những khối bê tông, cốt thép nằm rải rác, ngổn ngang nay đã không còn mà thay vào đó là phần thân đập chính, đập vai phải, đập vai trái, cửa nhận nước, đường ống áp lực, khu đặt tổ máy… Thủy điện Trung Sơn đang trong những ngày quyết liệt, chạy đua với thời gian, vượt thách thức, thắng thời tiết để dòng điện sớm tỏa sáng khắp mọi miền Tổ quốc.

“Chảo lửa” Co Me

Vẫn theo con đường cũ, tôi ngược lên Hòa Bình, đến thị trấn Co Lương (huyện Mai Châu), rồi bắt xe ôm vào thủy điện. Ban Quản lý được đặt tại bản Co Me, cách công trường xây dựng nhà máy hơn 3km đường rừng, nhưng vì nằm ở khu vực heo hút, 4 bề là núi rừng, dân cư lại thưa thớt nên đứng ở đây, chỉ cần tập trung một chút là có thể nghe thấy tiếng của máy móc, đất đá đổ dồn ầm ầm, rền vang từ phía công trường.

Nhịp thở  Trung Sơn

Một góc Thủy điện Trung Sơn về đêm

Đón tôi ở cổng Ban Quản lý là anh Trần Đình Lợi, cán bộ Phòng Bồi thường – Giải phóng mặt bằng. Gặp tôi, Lợi tỏ rõ sự vui mừng, anh bắt tay tôi thật chặt rồi hồ hởi kể cho tôi đủ thứ chuyện. Nào là chuyện ở Khu tái định cư Tổ Xước giờ đã có đường, có cả nhà văn hóa, trường mầm non và sắp tới là cả điện lưới. Rồi thì nhà ông Quàn – Tổ trưởng Khu Tổ Xước đang xây nhà mới rất to. Còn nhà bà Sạch thì đã về nhà mới… Anh kể một cách say sưa, hứng khởi mà nếu ai không hiểu lại cho rằng, những chuyện vui mừng, hạnh phúc đó là của chính bản thân, gia đình anh. Còn tôi, tôi hiểu là anh đang rất vui, đang rất phấn khích với những gì mà Thủy điện Trung Sơn mang lại cho mảnh đất này. Cuộc sống xa gia đình, lại ở nơi núi cao, rừng sâu, dân cư thưa thớt, có khi biệt lập với thế giới bên ngoài đã gắn kết các anh và người dân lại với nhau thành một gia đình.

Đoạn đường lầy lội mỗi khi trời mưa và bụi mù trắng xóa lúc trời nắng giờ đây đã được rải bê tông. Từ Ban Quản lý ra công trường, địa điểm thi công phần thân đập và khu vực đặt các tổ máy chỉ mất chừng mươi phút. Đứng từ đây, tôi có thể dễ dàng bao quát được toàn cảnh Thủy điện Trung Sơn. Đây là ống dẫn dòng, cửa lấy nước, kia là đường ống áp lực, khu vực đặt 4 tổ máy và xa hơn nữa là khu vực nghiền đá, trộn bê tông với những băng chuyền cao hàng chục mét và dài cả kilômét…

Thời tiết ở Trung Sơn hôm nay nắng nóng như rang. Nắng nóng được hấp thụ vào những bê tông, cốt thép biến khu vực thi công nhà máy chẳng khác gì chiếc “chảo rang” khổng lồ chỉ trực chờ nung chảy, thiêu rụi tất thảy mọi sự sống. Một bầu không khí ngột ngạt, khó thở bao trùm toàn bộ công trường. Nhưng giữa bầu không khí vô cùng khắc nghiệt đó, từng tốp công nhân vẫn miệt mài làm việc, mỗi người mỗi việc như những con ong thợ chăm chỉ, cần mẫn ghép từng thanh sắt, đổ từng m3 bê tông để Trung Sơn mỗi ngày thêm vóc, thêm hình. Thủy điện Trung Sơn đang trong những ngày cao điểm, rất khẩn trương và quyết liệt.

An – cán cán bộ Phòng Kỹ thuật (Ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn) cho biết: Mặc dù trời đang nắng gắt như vậy nhưng có khi, chỉ chút nữa thôi mưa lại ào ào trút xuống, cả công trường gần như tê liệt. Vậy nên, để đáp ứng tiến độ đề ra, đặc biệt là với một số hạng mục buộc phải hoàn thành trước mùa mưa bão như khoang đập tràn, đập dâng… anh em công nhân phải tranh thủ từng giờ, từng phút để làm việc. Không chỉ nhà thầu thi công, tư vấn giám sát mà cả Ban Quản lý cũng phải huy động tối đa nhân lực, tập trung đẩy nhanh tiến độ công trình. Cả công trường không phân biệt ngày hay đêm, cứ hết ca này đến ca khác, không ngừng nghỉ 24/24 tiếng.

 

Nhịp thở  Trung Sơn

Thi công ống áp lực và khu đặt tổ máy

Ví như Phòng Kỹ thuật chẳng hạn, dù là ngày nắng hay ngày mưa, ngày lễ cũng như ngày tết, các anh phải thay phiên nhau túc trực trên công trường. Nhiệm vụ của các anh là cùng với các cán bộ của đơn vị tư vấn kiểm tra, giám sát nhà thầu thi công theo đúng thiết kế, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất. Mọi vấn đề liên quan đến kỹ thuật bất kể hạng mục nào đều phải được ghi chép lại một cách hết sức chi tiết và tỉ mỉ. Vướng mắc ở đâu thì họp bàn với tư vấn, nhà thầu thi công để tháo gỡ. Nếu là hạng mục phức tạp, đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao thì báo cáo lãnh đạo Công ty, Ban Quản lý để họp với bên tư vấn, nhà thầu thi công đưa ra phương án xử lý sao cho tối ưu nhất, đảm bảo tiến độ nhưng vẫn phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật.

Trời nắng như đổ lửa, An vẫn phải chạy khắp công trường. Lúc thì anh ở khu vực thi công phần thân đập, khi lại chạy xuống chỗ thi công khoang đặt tổ máy, thoáng cái lại chạy lên chỗ ống áp lực. Nhìn cái cách An chạy đi, chạy lại giữa hàng ngàn, hàng vạn mét khối bê tông, đất đá như con thoi mà tôi choáng. Choáng vì đứng một chỗ, lại có bóng mát hẳn hoi mà mới chỉ được chừng nửa giờ đồng hồ, đầu óc tôi đã có cảm giác choáng váng, mắt hoa, thấy ngột ngạt, khó thở.

Anh Ngô Quốc Phương – Giám đốc Ban Quản lý Thủy điện Trung Sơn bảo: Ai lần đầu đặt chân đến mảnh đất này cũng vậy. Trước kia thì choáng vì cái sự biệt lập, đường đèo heo hút, nắng bụi, mưa lầy. Rồi thì choáng vì cả cái sự nghèo nàn, lạc hậu, xa văn minh của cái mảnh đất này. Còn nay, khi đường vào Trung Sơn đã được trải nhựa, cuộc sống của người dân đã được cải thiện, đã bớt nghèo, bớt khổ hơn nhờ chương trình di dân, tái định cư của dự án thì người ta lại choáng vì cái sự khắc nghiệt của thời tiết.

Thông tin về dự án, anh Phương cho hay: Với một nhà máy thủy điện thì tuyến áp lực và tuyến năng lượng là 2 cấu phần quan trọng nhất. Ở Trung Sơn, tuyến áp lực bao gồm đập dâng bằng bê tông đầm lăn, chiều cao đập lớn nhất 84,5m, chiều dài đỉnh đập là 513m và chiều rộng là 8m. Trên tuyến áp lực có 1 đập tràn sự cố làm nhiệm vụ cùng với đập chính dâng nước để phát điện và kết hợp với đập tràn chính tháo lũ khi cần thiết. Ngoài ra còn có đập tràn xả lũ được bố trí ở lòng sông và 1 cống xả cát làm nhiệm vụ chủ động xả lượng bùn, cát lắng trong lòng hồ nhằm duy trì dòng chảy môi trường trong quá trình ngừng phát điện cũng như chủ động hạ thấp mực nước phục vụ công tác sửa chữa. Còn tuyến áp lực bao gồm cửa lấy nước 4 khoang bằng bê tông cốt thép nối tiếp với 4 đường ống áp lực bằng thép.

Về tiến độ của dự án, tính đến hết tháng 4-2015, tuy phải thi công tại khu vực có thời tiết vô cùng khắc nghiệt nhưng do các nhà thầu thi công bố trí nhân lực làm ca, kíp cả ngày lẫn đêm nên cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Hạng mục khó khăn, phức tạp nhất của dự án và cũng là hạng mục duy nhất chậm tiến độ so với mục tiêu là thi công đập vai phải cũng đã được khắc phục. Nhà thầu đã đào xong hố móng vai phải và đang tập trung thi công bê tông phản áp đồng thời bố trí lưới thép xử lý đứt gãy. Ngoài những hạng mục chính đang được các nhà thầu tập trung triển khai, thì các gói thầu thiết bị cũng như các lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công, thiết bị cơ điện cũng đang được triển khai, đáp ứng tiến độ theo hợp đồng. Những công trình phụ trợ như Trạm biến áp 110kV Mai Châu, đường dây 35kV… cũng đã hoàn thành, đóng điện và đưa vào sử dụng.

Thời tiết ở Trung Sơn khắc nghiệt là thế nhưng nó lại đang tôi rèn, mài sắc thêm ý chí, khát vọng chinh phục thử thách của “người lính” thủy điện. Vượt mọi khó khăn, thử thách, họ đã gắn kết với nhau thành một khối thống nhất, hành động vì một mục tiêu chung là sớm đưa nhà máy hoàn thành đúng tiến độ. Vì mục tiêu ấy, họ sẵn sàng hy sinh cả hạnh phúc bản thân, chấp nhận cuộc sống xa gia đình, xa vợ, xa con. Như anh Nguyễn Trường Chinh, Trưởng phòng Bồi thường – Giải phóng mặt bằng chẳng hạn, vợ sinh con anh cũng chỉ kịp về ngó mặt một lát rồi quay trở lại công trường và cũng phải 4 tháng sau, anh mới có dịp về thăm vợ con lần hai.

Trung Sơn không ngủ

23 giờ đêm, tiếng máy móc công trình, rồi tiếng đổ bê tông ầm ầm vẫn không ngớt. Từng tốp công nhân vẫn đang miệt mài làm việc.

Anh Trần Quốc Hùng, Giám đốc Phân xưởng bê tông đầm lăn của Liên danh Tập đoàn Samsung C&T và Công ty Cổ phần Xây dựng 47 (thầu thi công công trình chính Thủy điện Trung Sơn) cho biết: Dự án Thủy điện Trung Sơn là một dự án hết sức đặc biệt, là dự án thủy điện duy nhất và đầu tiên tính đến thời điểm hiện tại được Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn vay. Chính vì vậy, bên cạnh những tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường theo quy định của Việt Nam, dự án còn phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt về mặt kỹ thuật, tiến độ. Mọi sai sót dù là nhỏ nhất cũng không được phép xảy ra.

Nhịp thở  Trung Sơn

Khu vực thi công đập chính

Một điểm nữa, theo anh Hùng, ở Trung Sơn, do thời tiết khắc nghiệt, nắng gắt, mưa nhiều, địa chất phức tạp nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án. Vì vậy, để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng công trình, ngay từ những ngày đầu, liên danh tập trung huy động những cán bộ, kỹ sư tốt nhất cùng với các trang thiết bị, máy móc mới nhất, hiện đại nhất vào nhà máy.

Theo anh Hùng, Liên danh Tập đoàn Samsung C&T và Công ty Cổ phần Xây dựng 47 được giao thực hiện thi công làm đập chính, cửa nhận nước, nhà máy, đường ống áp lực, đào 2 vai và gia cố 2 vai. Tất cả những hạng mục này đều được Liên danh gấp rút thi công với mục tiêu hoàn thành trước mùa mưa, đồng thời thực hiện nhiệm vụ chống lũ năm 2015. Để thực hiện khối lượng công việc khổng lồ như vậy, hơn 600 cán bộ, công nhân viên, kỹ sư đã được liên danh huy động từ mọi miền Tổ quốc, họ đều là những người giàu bản lĩnh, kinh nghiệm và cũng từng làm việc tại nhiều dự án thủy điện. Mỗi ngày 3 ca, làm việc liên tục, không ngừng nghỉ, thậm chí, việc giao ban tiến độ cũng được thực hiện ngay tại công trường. Ngay như dịp tết Nguyên đán vừa rồi, vì yêu cầu công việc, trên công trường lúc nào cũng có 200 cán bộ, công nhân viên làm việc 24/24 giờ.

Là người từng tham gia thi công nhiều công trình thủy điện từ Bắc vào Nam như Thủy điện sông Ba Hạ, Đồng Nai 4 nên anh Hùng rất hiểu tầm quan trọng của việc đổ bê tông thân đập, nhà máy, vai đập… Chỉ một chút sai sót nhỏ trong khâu này cũng có thể gây hậu quả rất lớn. Vậy nên mới có chuyện, dù là lãnh đạo, người quản lý nhưng người ta cứ thấy anh với chiếc xe máy cũ, cà tàng, bộ đồ văn phòng bám chi chít bụi, đỏ ngàu, chiếc giày bảo hộ thì bám đầy xi măng chạy khắp công trường. Anh làm việc chẳng có ca kíp gì cả, hễ xong việc giấy tờ ở văn phòng là anh lại phi ngay ra ngoài công trường. Thậm chí, có thời điểm, công trường đang trong thời kỳ cao điểm, mấy tháng liền anh không một lần về thăm gia đình. Mà nhắc đến chuyện gia đình, hỏi đi hỏi lại, anh nhất định không kể, không nói một chút gì. Anh bảo: Thôi, nhà báo hỏi những chuyện đó làm gì. Đã theo cái nghiệp này rồi thì phải xác định cuộc sống xa gia đình, bạn bè, phải biết thích nghi với cái sự cô đơn, buồn chán.

Thủy điện Trung Sơn về đêm sáng rực ánh đèn, đẹp lung linh. Nổi bật và dễ nhận thấy nhất là khu vực thi công đập dâng với hàng trăm bóng đèn cao áp xếp thành hàng, kéo dài chạy dọc theo những băng chuyền bê tông. 11 giờ đêm, các phần việc vẫn đang tiếp tục được triển khai, người lái máy lu, xe ủi, người thì làm nhiệm vụ san lấp, nhịp nhàng liên tục theo những mét khối bê tông được trút xuống từ băng truyền. Họ cần mẫn đổ từng lớp bê tông để đập chính của Thủy điện Trung Sơn ngày một cao hơn, đảm bảo yêu cầu tích nước trong thời gian sớm nhất.

Nhịp thở  Trung Sơn

Đổ bê tông ở đập chính

Phụ trách ca đêm hôm nay là anh Vũ Duy Công. Anh Công được Liên danh Tập đoàn Samsung C&T và Công ty Cổ phần xây dựng 47 tăng cường lên Trung Sơn từ năm 2012. Ca của anh có hơn 60 người và phần lớn là phụ nữ. Sở dĩ có nhiều phụ nữ là vì thời tiết ở Trung Sơn ban ngày rất khắc nghiệt nên các đơn vị thi công thường ưu tiên bố trí cho chị em làm việc vào ca đêm cho đỡ vất vả.

Đồng hồ vừa điểm 12 giờ đêm. Công trường Thủy điện Trung Sơn vẫn không có dấu hiệu ngừng nghỉ. Máy móc vẫn ầm ầm, bê tông vẫn đổ xuống ào ào. Anh Công kéo tôi ra một góc rồi tâm sự, ở đây chúng tôi không có khái niệm ngày và đêm. Cứ theo yêu cầu công việc mà làm. Khối lượng công việc nhiều thì bảo nhau tăng ca, tăng kíp, làm thêm giờ để hoàn thành theo tiến độ. Ngày nắng thì làm bù ngày mưa. Mọi người đều cố gắng ở mức cao nhất, hoàn thành nhanh nhất phần việc của mình, phấn đấu đưa Tổ máy số 1 phát điện vào cuối năm 2016. Bản thân anh vì yêu cầu của công việc nên đã 2 tháng nay anh chưa về nhà dù quãng đường chỉ chưa đầy 200km.

2 giờ sáng, một số cán bộ, công nhân tranh thủ nghỉ giải lao, uống nhanh ngụm nước, ăn tạm chút đồ ăn chuẩn bị từ trước để có năng lượng tiếp tục làm việc đến sáng. Họ ngồi kể cho nhau chuyện nhà chuyện cửa, chuyện học hành của con cái. Thời tiết ở Trung Sơn lúc này bỗng trở lạnh. Cái lạnh của núi rừng, cộng với những khoảng đen bất tận, phủ kín bốn bề khiến tôi thoáng chút rùng mình, sởn gai ốc. Thoáng bắt gặp những ánh mắt của anh em công nhân nhìn xa xăm, đâm thẳng vào những khoảng tối bất tận, tôi tự hỏi, không biết họ đang nghĩ gì. Phải chăng, sự biệt lập, cô đơn và cả sự tẻ nhạt trong công việc khi ngày ngày, họ cứ hết cào lại san bê tông ở khu đập chính đã khiến họ trở nên trầm tính.

Đúng lúc tôi đang miên man với những câu hỏi vì sao như thế, một nhóm công nhân bỗng cất vang lời thơ:

“Những đêm dài ta thức có hề chi

Gắng thêm nữa cho ngày vui mau tới

Đắp đập ngăn sông, khơi dòng điện sáng

Cùng bạn bè ta thức giữa trời khuya

Lau giọt mồ hôi thầm ngân nga câu hát

Mảnh trăng bên trời dường như chẳng cô đơn”.

Lời bài thơ đã nói lên tất cả, trả lời tất cả những câu hỏi vì sao của tôi. Họ – những “người lính” thủy điện không hề cô đơn, họ chẳng phải cỗ máy vô hồn, không cảm xúc mà họ chỉ đang âm thầm, lặng lẽ chiến đấu với cái khắc nghiệt của thiên nhiên bằng niềm tin, bằng khát vọng cho một ngày mai, dòng sông Mã hung dữ sẽ được chế ngự biến thành dòng điện tỏa sáng khắp mọi miền đất nước!

Mảnh đất Trung Sơn khoác lên mình chiếc áo mới đẹp đẽ, lộng lẫy hơn. Con đường mòn lầy lội, trơn trượt mỗi lúc trời mưa ngày nào giờ đã được trải nhựa, bê tông hóa từ thị trấn Co Lương vào tận khu tái định cư Tổ Xước. Từ khi có con đường này, bọn trẻ ở đây đã dễ dàng xuống các trường cấp I, cấp II của xã để học. Rồi các thương lái vào tận nơi để thu mua ngô, sắn, luồng… Hoạt động giao thương vì thế được đẩy mạnh, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho bà con. Ngoài ra, để tạo điều kiện tốt nhất cho bà con phát triển sản xuất, ổn định kinh tế gia đình, hệ thống lưới điện đã được Trung Sơn đầu tư, xây dựng về từng khu tái định cư, sẵn sàng cấp điện cho bà con. Bám dọc theo con đường đó, đoạn chạy qua khu tái định cư là san sát những ngôi nhà sàn, nhà cấp 4 kiên cố, mái ngói đỏ…

Trung Sơn đang chuyển mình và ở đó, Nhà máy Thủy điện Trung Sơn đã hình thành, trở thành một biểu tượng của khát vọng, chinh phục thử thách, chinh phục thiên nhiên của những “người lính” thủy điện!

 

Theo báo Năng lượng Mới số 422