Vận hành và xả lũ an toàn hệ thống hồ chứa – Tỉnh Thanh Hóa

[:vi]

(Trích: Baothanhhoa.vn)

Toàn tỉnh hiện có 610 hồ đập lớn nhỏ. Để vận hành an toàn hệ thống hồ chứa trong mùa mưa lũ, các đơn vị vận hành, các chủ hồ đập đã chủ động trong công tác duy tu, bảo dưỡng công trình, thiết bị, xây dựng phương án, quy trình ứng phó khi tình huống khẩn cấp xảy ra.

Kiểm tra cửa nâng xả lũ hồ thủy lợi – thủy điện Cửa Đạt.

Hồ Đồng Chùa nằm trên địa bàn huyện Tĩnh Gia có sức chứa hơn 12 triệu m3 nước, cung cấp nước sản xuất cho gần 4.000 ha đất canh tác và phục vụ nước sinh hoạt cho Khu Kinh tế Nghi Sơn và các huyện lân cận. Để bảo đảm an toàn cho công trình và an toàn xả lũ, Công ty TNHH MTV Sông Chu đã chủ động xây dựng các phương án vận hành, xả lũ cho công trình theo quy định. Đồng thời, tập kết đầy đủ vật tư, thiết bị và phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương ứng phó các sự cố xảy ra trong mùa mưa bão.

Hồ Cửa Đạt là một trong những công trình thủy lợi – thủy điện lớn với dung tích chứa 1,5 tỷ m3 nước, cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho 7 huyện trong tỉnh và kết hợp thủy điện với công suất 97MW. Ngoài ra, công trình còn bổ sung nước mùa kiệt cho hạ lưu sông Mã để đẩy mặn, cải tạo môi trường sinh thái, cắt giảm lũ cho vùng hạ du. Để bảo đảm an toàn hồ chứa trong mùa mưa bão năm nay, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 3 (đơn vị quản lý trực tiếp hồ Cửa Đạt) đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp hồ Cửa Đạt trong mùa mưa bão 2019. Đơn vị đã thực hiện kiểm tra các đầu mối công trình để tu sửa, nâng cấp những điểm bị hư hỏng, xuống cấp. Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng tại các công trình đập chính Cửa Đạt và các đập phụ. Đồng thời, xây dựng phương án xả lũ với chế độ thông tin nhanh cho các địa phương và nhân dân nắm được để giám sát và hạn chế thiệt hại xảy ra.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để bảo đảm an toàn vận hành các công trình, đơn vị đã chỉ đạo các huyện, thị xã có hồ chứa nước, Công ty TNHH MTV Sông Chu, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc sông Mã thường xuyên theo dõi, kiểm tra đập, hồ chứa nước và trong mùa mưa, lũ nhằm phát hiện sớm nguy cơ gây mất an toàn công trình, vận hành thử các cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa và bố trí thiết bị dự phòng, bảo đảm vận hành công trình thông suốt trong mọi tình huống. Đối với các hồ chứa lớn có cửa van xả lũ, yêu cầu các đơn vị vận hành phải thường xuyên quan trắc, tính toán lưu lượng nước đến hồ, dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ để chủ động vận hành đập, hồ chứa chống lũ an toàn. Sở cũng đã chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho đập, hồ chứa và vùng hạ du công trình; tổ chức hướng dẫn, diễn tập phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp, nhất là vùng hạ du các đập, hồ chứa xung yếu.

Đối với các hồ chứa thủy điện, hiện nay, trên dòng chính sông Mã có 6 công trình thủy điện được xây dựng, trong đó có 5 công trình thủy điện đã vận hành là: Trung Sơn, Thành Sơn, Bá Thước 1, Bá Thước 2, Cẩm Thủy 1. Riêng dự án Thủy điện Hồi Xuân vẫn đang trong quá trình đầu tư xây dựng. Theo báo cáo của Sở Công Thương, các công trình thủy điện hiện nay đã vận hành đều được bố trí đầy đủ các loại thiết bị quan trắc, như: Quan trắc áp lực thấm đáy đập, quan trắc lưu lượng thấm qua thân đập, quan trắc các chuyển vị ngang, dọc… để giám sát quản lý an toàn công trình. Về quan trắc đo đạc mực nước, lưu lượng và khí tượng thủy văn cũng đã được một số dự án đầu tư lắp đặt. Dựa trên các số liệu quan trắc, các nhà máy thủy điện thu thập và tính toán, lưu giữ số liệu về lưu lượng, mực nước xả qua tuyến đập.

Tại Nhà máy Thủy điện Trung Sơn, để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa trong mùa mưa lũ, từ quý II-2019, đơn vị đã tiến hành kiểm tra, quan trắc toàn diện các hạng mục công trình, như: Đập dâng, thiết bị van xả, tình trạng bồi lắng, xói lở lòng hồ, bờ hồ… Đồng thời, cung cấp tài khoản và hướng dẫn phần mềm camera giám sát mực nước, xả lũ và theo dõi an toàn đập tới các cơ quan chức năng. Kiểm tra, vận hành hệ thống cảnh báo tín hiệu xả lũ vùng hạ du, phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền cho nhân dân nhận diện tín hiệu cảnh báo, vận hành hiệu quả hệ thống. Đơn vị cũng tích cực phối hợp với các nhà máy thủy điện bậc thang phía dưới về chế độ thông tin trong công tác vận hành, xả lũ, bảo đảm an toàn các hồ chứa trong mùa mưa.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác quản lý, vận hành các hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn không ít khó khăn, vướng mắc. Trong số 610 hồ đập hiện nay, chỉ có 77 hồ được phê duyệt quy trình vận hành. Có tới 131 hồ đập bị xuống cấp, không bảo đảm an toàn. Trong số 11 hồ, đập thủy điện đã và chuẩn bị đưa vào hoạt động, mới chỉ có 1 công trình (Thủy điện Trung Sơn) có lắp đặt hệ thống giám sát trực tuyến để theo dõi vận hành và xả lũ. Sự thiếu đồng bộ trong công tác đầu tư, lắp đặt thiết bị đang gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành. Việc ban hành các lệnh vận hành hồ chứa theo quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa hiện chủ yếu mới căn cứ vào công tác dự báo qua số liệu khí tượng, thủy văn. Đáng lưu ý, hiện nay, trên lưu vực sông Mã mới có 3 hồ chứa là Hủa Na, Cửa Đạt và Trung Sơn có dung tích phòng lũ; còn lại 8 hồ chứa là Đồng Văn, Xuân Minh, Thành Sơn, Hồi Xuân, Bá Thước 1, Bá Thước 2, Cẩm Thủy và Bái Thượng là các hồ không điều tiết, vì vậy việc ra lệnh, thông báo vận hành xả lũ 8 hồ nêu trên trước 4 giờ để bảo đảm an toàn cho cả công trình và hạ du là hết sức khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả công tác vận hành các hồ chứa trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các công ty thủy nông và các địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý, vận hành hồ; tính toán và thực hiện chính xác quy trình xả lũ để bảo đảm an toàn công trình và cho người dân; hạn chế tác động tiêu cực đến sản xuất. Trong đó, các sở, ngành cần tăng cường giám sát việc vận hành các hồ chứa theo quy trình liên hồ, đơn hồ đã được phê duyệt. Đồng thời, yêu cầu các chủ hồ chứa trên lưu vực sông Mã thực hiện nghiêm chế độ thông tin liên lạc, cung cấp đầy đủ, kịp thời các số liệu thủy văn phục vụ vận hành hồ chứa, như mực nước, lưu lượng nước đến hồ, mực nước hạ du… đến các cơ quan chức năng. Đối với các đơn vị quản lý hồ chứa, cần tăng cường đầu tư cho hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo lũ, bổ sung máy phát điện dự phòng để bảo đảm công trình xả lũ tại các hồ chứa vận hành bình thường trong mọi điều kiện. Các địa phương vùng hạ du các hồ chứa tăng cường công tác tuyên truyền về xả lũ và các quy định, thông báo liên quan đến công tác xả lũ của các hồ chứa, tín hiệu khi các hồ chứa tiến hành xả lũ để nhân dân khu vực hạ du tổ chức sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn khi các hồ chứa xả lũ.

                                     Bài và ảnh: Minh Hằng

[:]