Di dân tái định cư ở thủy điện Trung Sơn: Tất cả vì lợi ích của người dân

[:vi]Là dự án thủy điện đầu tiên tại Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay vốn nên Thủy điện Trung Sơn (Thanh Hóa) phải đáp ứng những yêu cầu, tiêu chí hết sức khắt khe theo chuẩn quy định của WB, đặc biệt là vấn đề di dân tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Ngọc Hiển – Phó trưởng ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn (Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn).
PV: Trước hết xin ông cho biết vấn đề di dân tái định cư ở dự án thủy điện Trung Sơn được đặt ra như thế nào?
Ông Hoàng Ngọc Hiển: Cũng giống như các dự án thủy điện khác, một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu, bắt buộc phải thực hiện là công tác di dân tái định cư và đây cũng là vấn đề khó khăn, phức tạp nhất bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu triển khai dự án, công tác tham vấn di dân tái định cư đã được Ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn đặt lên hàng đầu, lấy người dân làm tiêu chí chính và đây cũng là yêu cầu được WB đặt ra.
PV: Quy mô di dân tái định cư của dự án như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Ngọc Hiển: Thủy điện Trung Sơn có 4 khu tái định cư, với tổng số 676 hộ và được trải dài trên địa bàn của 3 huyện. Trong đó, khu tái định cư số 1 nằm trên địa bàn huyện Quan Hóa (Thanh Hóa); khu tái định cư số 2 và số 3 năm trên địa bàn huyện Mường Lát (Thanh Hóa) và khu tái định cư số 4 năm trên địa bàn huyện Vân Hồ (Sơn La). Tổng vốn thực hiện công tác di dân, tái định cư là 876 tỉ đồng.
PV: Những tiêu chí về di dân tái định cư mà WB đặt ra cho Thủy điện Trung Sơn có gì khác biệt, thưa ông?
Ông Hoàng Ngọc Hiển: Ở Thủy điện Trung Sơn, chính sách bồi thường, hỗ trợ người dân trong quá trình di dân, tái định cư cũng được thực hiện theo quy định Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, cách tính giá trị bồi thường có khác. Chẳng hạn, theo quy định của Việt Nam thì giá trị bồi thường của một ngôi nhà được tính dựa trên cơ sở đã trừ đi khấu theo mức giá của UBND tỉnh nhưng ở Thủy điện Trung Sơn thì không được phép như thế. Giá trị đền bù được xác định là giá trị của một ngôi nhà mới. Hay như đất đai cũng vậy, luật của Việt Nam quy định, với các loại đất nhảy dù, đất xen canh, xen cư… thì có thể được đền bù hoặc không đền bù. Nhưng theo yêu cầu của WB, tất cả các loại đất tính từ thời điểm kiểm kê trở về trước đều phải được đền bù và nếu sau thời điểm trên thì mới phải xem xét.
 
Tất cả vì lợi ích của người dân
Cán bộ bồi thường – giải phóng mặt bằng của Thủy điện Trung Sơn gặp người dân bản Co Me
 
Chính vì những chính sách hỗ trợ như trên, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ mà mỗi hộ gia đình thuộc diện phải di dân tái định cư ở Thủy điện Trung Sơn cũng cao hơn khá nhiều so với các dự án khác. Số tiền hỗ trợ, bồi thường ở các dự án thủy điện bình quân khoảng 700 triệu đồng/hộ thì ở Thủy điện Trung Sơn, số tiền này là gần 1 tỉ đồng/hộ.
PV: Một trong những cái khó trong công tác di dân tái định cư là sự đồng thuận của người dân, điều này đã được Thủy điện Trung Sơn tháo gỡ như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Ngọc Hiển: Ðúng là như vậy bởi như tôi đã đề cập tới ở trên, công tác di dân tái định cư có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, ở Thủy điện Trung Sơn, do làm tốt công tác tham vấn lấy ý kiến của các cấp chính quyền, cũng như người dân ngay từ khi tiến hành khảo sát, lập thiết kế nên khi triển khai, chúng tôi luôn nhận được sự đồng thuận rất cao.
Ngoài ra trong quá trình thi công, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, cung cấp thông tin với sự tham gia của đại diện các hộ gia đình chịu ảnh hưởng của của dự án. Thông qua những cuộc tiếp xúc như thế, người dân và chính quyền địa phương sẽ hiểu và nắm bắt được các thông tin mới nhất về dự án, đặc biệt là về chính sách hỗ trợ di dân tái định cư. Ðồng thời, chúng tôi cũng sẽ nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân để có hướng giải quyết, giảm thiểu tối đa những mâu thuẫn có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, đây còn là một trong những hoạt động nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai khi tiến hành thu hồi đất, bồi thường tái định cư cũng như các biện pháp khắc phục nhằm đạt được sự đồng thuận cao nhất từ phía người dân.
PV: Ðược biết, ngoài những hỗ trợ trực tiếp cho người dân, Thủy điện Trung Sơn còn giúp người dân xây dựng các chương trình phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài. Ðiều này được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Ngọc Hiển: Ðối với các dự án thủy điện thì thủy điện Trung Sơn có một cái khác là ổn định cuộc sống cho người dân sau khi vào khu tái định cư. Ngay trong quá trình tham vấn, khảo sát, lập thiết kế, chúng tôi đã đề ra và xây dựng chương trình sinh kế, phát triển cộng đồng. Tổng vốn dự kiến thực hiện khoảng 2 triệu USD và được triển khai trong thời gian 4 năm. Chương trình sẽ hỗ trợ con giống, thức ăn, cây trồng và cả các chuyên gia, cán bộ chuyên trách xuống để hướng dẫn cho người dân.
PV: Xin ông nói rõ về mục tiêu của chương trình này?
Ông Hoàng Ngọc Hiển: Kinh nghiệm cho thấy, tái định cư không tự nguyện trong các dự án thủy điện, nếu không được làm nhẹ sẽ làm gia tăng các vấn đề về kinh tế, xã hội và môi trường như: hệ thống sản xuất bị phá vỡ, người dân phải đối mặt với tình trạng đói nghèo.
Thêm vào đó, một số hộ khi đến khu tái định cư sẽ khó có khả năng tái lập cuộc sống do những thay đổi về vị trí xã hội, điều kiện kinh tế nên có nguy cơ nghèo hơn. Chính vì thế, việc bồi thường với những hộ này là không đủ mà còn phải có các phương án hỗ trợ khác, chẳng hạn như hướng dẫn về cách thức nuôi, trồng mới để đảm bảo cho họ một cuộc sống không được kém hơn trước khi có dự án. Theo định kỳ, các tư vấn và cán bộ chuyên trách của Thủy điện Trung Sơn còn xuống tận ruộng, vừa sản xuất cùng bà con, vừa tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật mới theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” giúp bà con biết làm đất, ngâm ủ giống, gieo cấy, chăm sóc lúa để đạt hiệu quả cao nhất. Với sự đầu tư và giúp đỡ của Dự án Thủy điện Trung Sơn, hy vọng những vụ mùa bội thu đang chờ bà con ở phía trước.
Với mục tiêu giúp đồng bào tái định cư Dự án Thủy điện Trung Sơn có một cuộc sống ổn định, dài lâu và có điều kiện phát triển sản xuất, ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ở các điểm tái định cư, dự án thủy điện Trung Sơn còn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi như đập dâng, kênh dẫn nước từ các đập dâng về các khu ruộng… phục vụ công tác tưới tiêu trong sản xuất.
PV: Ðể chương trình đạt được mục tiêu như trên, Thủy điện Trung Sơn đã đề ra giải pháp gì, thưa ông?
Ông Hoàng Ngọc Hiển: Chương trình sinh kế của Thủy điện Trung Sơn dành cho người dân vùng tái định cư hiện đang được triển khai thí điểm. Kết quả bước đầu là khá khả quan khi nhiều phong tục, tập quán canh tác, nuôi trồng cũ như thay vì mời thầy mo về làm phép khi con lợn, con gà ốm thì họ đã biết mời bác sĩ thú ý. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, những chuyển biến này còn rất hạn chế và điều này khiến những kỳ vọng khi triển khai chương trình sinh kế của Thủy điện Trung Sơn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Người dân vẫn chưa quen với lối canh tác, nuôi trồng theo các tiến bộ kỹ thuật mới.
Và để từng bước thay đổi nhận thức của người dân, trong thời gian tới, Thủy điện Trung Sơn sẽ tiếp tục mời các chuyên gia cũng như phân công cán bộ chuyên trách đến từng thôn bản để mở các lớp tập huấn tuyên truyền hướng dẫn bà con. Ðồng thời, chúng tôi cũng sẽ tiến hành một cuộc khảo sát để xem các hộ gia đình thích nuôi con gì, trồng cây gì để rồi hướng dẫn họ, cung cấp con giống cho họ sao cho phù hợp nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!
nguồn: PetroTimes 
 [:]